Toàn cảnh cuộc đua phân khúc MPV sôi động tại Việt Nam

5 năm qua, doanh số của nhóm MPV tăng gần gấp 3 lần, lượng xe tham chiến cũng tăng gần gấp đôi.

Khởi đầu từ 1999 bằng những chiếc Toyota Zace, Mitsubishi Jolie, phân khúc xe đa dụng (MPV) tại Việt Nam là cuộc đua tranh chủ yếu của các thương hiệu Nhật, Hàn. Hơn 20 năm qua, có khoảng 20 mẫu xe đến rồi đi, doanh số cũng tăng liên tục.

Trước 2018, Toyota thâu tóm mảng xe MPV với cái tên chủ lực Innova dù là sản phẩm lớn và đắt nhất, những Chevrolet Orlando, Suzuki Ertiga đều mờ nhạt. Chỉ riêng Innova chiếm đến 78% thị phần phân khúc, đạt 14.581 xe bán ra trong 2018. Nhưng cục diện thay đổi từ 2019 khi phân khúc có thêm nhiều lựa chọn mới hợp xu hướng hơn.

Tiềm năng doanh số lớn

Năm 2018, thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0% tạo điều kiện cho các hãng đẩy mạnh khâu nhập xe về bán. Những cái tên như Avanza, Rush của Toyota lần đầu xuất hiện. Đặc biệt là Mitsubishi Xpander, mẫu xe làm "sống dậy" phân khúc này lần nữa khi chiếm ngôi vương của Innova và khởi đầu cho làn sóng MPV về sau.

Xpander hay Rush đem đến một luồng gió mới ở phân khúc xe đa dụng cỡ nhỏ với thiết kế hiện đại, nhiều đường nét cá tính hơn. Tiện nghi vừa đủ, chở được 7 người, giá thấp hơn gần 200 triệu đồng, những mẫu xe nhỏ hơn Innova dần trở thành lựa chọn thay thế.

Chưa kể với chi phí mua xe thấp hơn, Xpander, Ertiga, Avanza, Rush được nhiều khách hàng ưu tiên đầu tư kinh doanh dịch vụ lẫn phục vụ gia đình. Taxi công nghệ trên đường phố Việt Nam dần quen thuộc với hình ảnh tài xế sử dụng xe MPV bên cạnh sedan cỡ B (Vios, Accent) hay Innova truyền thống.

Capture

 

Từ 2018 đến 2022, doanh số nhóm xe MPV tăng 184%, từ 18.650 xe lên 53.026 xe, tức gấp gần 3 lần. Không kể 2 năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, nhu cầu của người dân cho nhóm xe đa dụng tăng liên tục. Trên thị trường xe con 2022, lượng tiêu thụ của MPV chỉ xếp sau sedan cỡ B và CUV cỡ nhỏ (tính từ A+ đến C-).

Số lượng mẫu xe tham chiến cũng phản ánh sự sôi động của nhóm xe MPV. Năm 2018, thị trường có 4 mẫu cạnh tranh thị phần chính gồm Chevrolet Orlando, Toyota Innova, Kia Rondo và Suzuki Ertiga, riêng Avanza, Rush, Xpander mở bán từ nửa cuối năm. Đến 2022, Rush và Orlando ngừng bán nhưng con số vẫn tăng lên 6 mẫu, gồm Mitsubishi Xpander (gồm cả Xpander Cross), Toyota Avanza, Veloz, Innova, Suzuki Ertiga, XL7, riêng Kia Carens, Hyundai Stargazer (mở bán từ cuối năm).

Một mẫu Xpander 2023 lăn bánh tại TP HCM. Ảnh: Phạm Trung

Một mẫu Xpander 2023 lăn bánh tại TP HCM. Ảnh: Phạm Trung

Thị hiếu ưa chuộng dòng MPV khiến các hãng tìm nhiều cách để đa dạng hoá dải sản phẩm. Suzuki có chiếc Ertiga thuần chất MPV nhưng thêm biến thể lai SUV là XL7. Tương tự là trường hợp của Mitsubishi với Xpander và Xpander Cross, Toyota với Avanza và Veloz Cross.

Trước 2018, nhu cầu của khách hàng với xe MPV theo kiểu "nước chảy chỗ trũng" khi Innova là lựa chọn chính. Nhưng sau đó, với sự xuất hiện của nhiều mẫu xe hợp xu hướng tiêu dùng hơn, doanh số dần dàn trải. Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7, Toyota Veloz là những cái tên nổi bật trên thị trường xe đa dụng phổ thông cỡ nhỏ.

Cơ hội cho những sản phẩm mới

Trong số các mẫu MPV có mặt tại Việt Nam từ sau 2018, Mitsubishi Xpander là cái tên thành công nhất. Năm 2019, mẫu xe của Mitsubishi lập kỷ lục khi bán hơn 20.000 xe. Đến 2022, Xpander lập nên kỷ lục mới khi vượt 22.000 xe.

Nhưng dù Xpander bán tốt, cơ hội vẫn mở ra cho các mẫu xe khác. Trường hợp của Veloz và Avanza của Toyota là một ví dụ điển hình. Sức mua yếu khiến Toyota ngưng nhập Rush từ 2021, còn Avanza chật vật cạnh tranh với các đối thủ. Nhưng thế hệ mới 2022 của Avanza và biến thể cao cấp hơn, Veloz, thay đổi hoàn toàn số phận của hai mẫu xe này.

Veloz, mẫu MPV ăn khách nhất của Toyota tại Việt Nam. Ảnh: TMV

Veloz, mẫu MPV "ăn khách" nhất của Toyota tại Việt Nam. Ảnh: TMV

Thiết kế mới hiện đại hơn, nhiều trang bị hơn cùng mức giá cạnh tranh, Toyota Veloz bán hơn 14.100 xe năm 2022 dù chỉ có 9 tháng bán ra. Avanza doanh số thấp hơn nhưng cũng đạt hơn 3.500 xe. Từ khi Innova thoái trào từ 2018, hãng Nhật chưa lần nào bán hơn 10.000 xe MPV trong một năm cho tới khi Veloz xuất hiện.

Một quản lý bán hàng người Nhật của Mitsubishi Việt Nam trong buổi gặp mặt với giới truyền thông tại TP HCM hồi cuối 2022, cho rằng, phân khúc MPV còn nhiều tiềm năng phát triển. "Nhu cầu với xe đa dụng sẽ không chững lại trong 3-4 năm tới. Doanh số sẽ còn tăng và thu hút nhiều hãng khác tham gia, Xpander vì thế gặp nhiều khó khăn hơn để duy trì vị trí hàng đầu như hiện nay", ông nói.

 

Miếng bánh thị phần MPV hấp dẫn thu hút nhiều hãng tham chiến dù những Xpander hay Veloz tạo chỗ đứng vững chắc. Cuối 2022, Thành Công nhập khẩu Hyundai Stargazer và ra mắt thị trường, sau đó tiến tới lắp ráp. Bất lợi khi đi sau, mẫu xe Hàn chọn cách tiếp cận người dùng bằng tiện nghi và công nghệ an toàn ở mức phong phú nhất phân khúc. Stargazer cũng là sản phẩm đầu tiên cung cấp cấu hình 6 chỗ.

Ngưng bán Rondo, Trường Hải thay thế bằng Kia Carens với định hướng SUV. Cách định giá cao của Carens tách khỏi các đối thủ cùng phân khúc như Xpander, Veloz, Stargazer, đồng thời chạm vào ngưỡng của các mẫu crossover cỡ C để tạo lập một phân khúc riêng.

Honda BR-V lăn bánh tại Indonesia. Ảnh: Detikoto

Honda BR-V lăn bánh tại Indonesia. Ảnh: Detikoto

Sự sôi động của nhóm xe MPV chưa dừng lại khi 2023, Honda Việt Nam dự kiến sẽ mang về BR-V vào tháng 6. Bên cạnh đó, hãng xe Trung Quốc, Haima sẽ bán chiếc MPV tên gọi 7X từ nửa sau 2023.

"Chúng tôi chọn phân phối 7X vì đơn giản đây là nhóm xe đang được ưa chuộng ở Việt Nam, cơ hội bán hàng vì thế tốt hơn dù hãng có nhiều sản phẩm chất lượng khác", ông Trần Viết Sơn, giám đốc kinh doanh của Carvivu, nhà phân phối xe Haima, cho biết.

Giống như nhiều phân khúc khác, càng nhiều xe MPV có mặt trên thị trường, tính cạnh tranh giữa các hãng ngày càng cao. Khách hàng vì thế được hưởng lợi. Trong khi Xpander nỗ lực giữ ngôi vương, các đối thủ bên dưới như Veloz, XL7, Carens, Stargazer... cũng không hài lòng với vị thế hiện tại.

(Nguồn vnexpress)

xe mới về