Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 3, toàn thị trường ôtô Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 30.038 xe các loại, tăng trưởng 30% so với tháng trước. Tính trong quý đầu năm, doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam đạt 70.392 xe, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người Việt chuộng SUV
Trong báo cáo của VAMA và TC Group về sức tiêu thụ của ôtô du lịch, nhóm xe SUV áp đảo cả về số lượng mẫu lẫn doanh số đạt được trong quý đầu năm.
Cụ thể, có đến 24 mẫu SUV được thống kê doanh số tại thị trường Việt Nam. Nhóm này hợp thành doanh số 26.318 xe sau 3 tháng đầu năm, vượt trội sức tiêu thụ mà các xe sedan và nhóm MPV đạt được trong cùng kỳ.
Sự vượt trội về số lượng mang đến cho khách hàng Việt nhiều lựa chọn, qua đó giúp phân khúc SUV nhanh chóng áp đảo về thành tích bán hàng. Trong top 5 ôtô bán chạy nhất Việt Nam ở quý đầu năm xuất hiện đến 2 mẫu SUV, bao gồm Toyota Corolla Cross (3.417 xe) và Hyundai Creta (2.647 xe). Trong khi đó, các phân khúc MPV, sedan và bán tải lần lượt chỉ góp mặt một đại diện.
Dòng xe | Doanh số quý I (xe) | Phân loại |
Mitsubishi Xpander | 4.444 | MPV |
Hyundai Accent | 3.943 | Sedan |
Ford Ranger | 3.656 | Bán tải |
Toyota Corolla Cross | 3.417 | SUV |
Hyundai Creta | 2.647 | SUV |
Ford Everest | 2.509 | SUV |
Mazda CX-5 | 2.454 | SUV |
Honda City | 2.451 | Sedan |
Toyota Veloz Cross | 2.393 | MPV |
Hyundai Grand i10 | 2.245 | Xe hạng A |
Phân khúc sedan với số lượng 16 thành viên ghi nhận doanh số 12.237 xe sau 3 tháng đầu năm. Cái tên nổi bật nhất của nhóm xe này là Hyundai Accent khi sedan hạng B của thương hiệu Hàn Quốc trở thành mẫu xe gầm thấp duy nhất tại Việt Nam liên tục đạt doanh số trên 1.000 xe/tháng.
Top 10 ôtô bán chạy nhất Việt Nam sau 3 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự góp mặt của một mẫu sedan khác là Honda City. Mẫu sedan hạng B của Honda đạt doanh số 2.451 xe trong quý I, phần nhiều đến từ chương trình ưu đãi 100% phí trước bạ đã và đang được áp dụng liên tục tại các đại lý.
Đứng đầu về sức tiêu thụ tại thị trường ôtô Việt Nam trong quý đầu năm, Mitsubishi Xpander nghiễm nhiên trở thành cái tên bán chạy nhất phân khúc MPV. Với 10 mẫu xe trải dài từ giá rẻ như Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz Cross đến cỡ lớn như Kia Carnival, Toyota Innova hay Toyota Alphard, phân khúc này đã hợp thành doanh số chung 12.237 xe sau 3 tháng đầu năm.
Trong đó, chỉ riêng Mitsubishi Xpander đã đạt sức tiêu thụ 4.444 xe, tương đương 36,32% tổng doanh số của toàn phân khúc. Toyota Veloz Cross với doanh số 2.393 xe cũng kịp đặt một chân vào top 10 ôtô bán chạy nhất Việt Nam ở quý đầu năm.
Đối với xe bán tải, doanh số 4.745 xe ở quý I chủ yếu đến từ sức bán tốt của Ford Ranger. Chỉ riêng cái tên này đã đóng góp đến hơn 77% doanh số của toàn phân khúc. Những đại diện còn lại như Mitsubishi Triton (584 xe), Mazda BT-50 (260 xe), Isuzu D-Max (235 xe) hay cả “tân binh” Toyota Hilux với chỉ 10 xe hiện vẫn còn cách “vua bán tải” một khoảng cách khá xa về doanh số.
Xe cỡ nhỏ giá rẻ mất sức hút
Từ sau thời hoàng kim của VinFast Fadil, nhóm xe hạng A vốn được biết đến với kích cỡ nhỏ cùng giá bán dễ tiếp cận đã dần mất đi sức hút.
Hiện, phân khúc xe hạng A tại thị trường ôtô Việt Nam chỉ đang là nơi cạnh tranh của riêng Hyundai Grand i10 cùng Kia Morning. Doanh số chung của cả 2 trong quý đầu năm cũng khá khiêm tốn khi doanh số Hyundai Grand i10 dừng lại ở 2.245 xe, còn Thaco xác nhận đã giao thành công 479 xe Kia Morning đến tay người tiêu dùng Việt.
Tổng quan hơn, ôtô cỡ nhỏ sở hữu doanh số trên 1.000 xe trong quý đầu năm chỉ có duy nhất Hyundai Grand i10, trong khi có đến 4 xe MPV, 6 xe sedan cùng 9 mẫu SUV đạt được thành tích này.
Trong số này, các xe sedan hạng B như Hyundai Accent, Honda City, Toyota Vios, Mitsubishi Attrage cùng Mazda2 từ lâu đã được xem là mối đe dọa lớn nhất đến thị phần của nhóm ôtô hạng A nhờ giá bán cạnh tranh cùng lợi thế về không gian và động cơ.
Thậm chí trong những năm gần đây, nhóm xe cỡ nhỏ giá rẻ còn phải chịu thêm sức ép từ phân khúc MPV bình dân và SUV đô thị hạng A.
Như đã đề cập phía trên, Mitsubishi Xpander đang là ôtô bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong giai đoạn đầu năm. Mẫu MPV bình dân này có giá niêm yết khởi điểm chỉ 555 triệu đồng, được đánh giá là cao hơn không quá nhiều so với ôtô hạng A và cả phân khúc sedan hạng B.
Trong khi đó, SUV đô thị cỡ nhỏ với những cái tên như Toyota Raize (552-563 triệu đồng) và Kia Sonet (526-624 triệu đồng) ngày càng trở nên thông dụng hơn với khách hàng Việt Nam nhờ lợi thế gầm cao, rộng rãi và tương đối hợp lý về giá bán.
Thực tế, doanh số của phân khúc SUV hạng A trong quý đầu năm đã đạt 3.685 xe, trong khi nhóm xe cỡ nhỏ gồm Hyundai Grand i10 và Kia Morning chỉ hợp thành doanh số 2.724 xe ở cùng kỳ.
Hướng tiếp cận mới
Dẫu vậy, sự thiếu thốn về lựa chọn ở phân khúc xe cỡ nhỏ tại Việt Nam vẫn đang thu hút được không ít sự chú ý từ các thương hiệu ôtô.
Mới đây, những mẫu VF 5 Plus đầu tiên đã về đến đại lý và sẵn sàng bàn giao đến tay khách hàng trong nước. Ôtô điện của VinFast được định vị trong phân khúc SUV đô thị hạng A, cạnh tranh cùng Kia Sonet và Toyota Raize.
Toyota Wigo được xác nhận sẽ quay lại thị trường Việt Nam từ tháng 5 để cạnh tranh trong phân khúc ôtô hạng A, còn Honda để ngỏ khả năng đưa Honda WR-V cùng Honda BR-V về phục vụ người tiêu dùng Việt.
Nếu về Việt Nam, Honda WR-V sẽ được xếp vào cùng nhóm với Kia Sonet, Toyota Raize và VinFast VF 5 Plus. Về phần mình, Honda BR-V sẽ phải cạnh tranh trong phân khúc MPV bình dân cùng Mitsubishi Xpander và Toyota Veloz Cross.
Ngoài ra, mẫu xe điện cỡ nhỏ Wuling Hongguang Mini cũng được xác nhận sẽ sớm trình làng người tiêu dùng Việt Nam trong khoảng quý II năm nay. Ở thị trường Trung Quốc, giá bán từ 4.766 USD (tương đương chưa đến 120 triệu đồng) đã giúp Wuling Hongguang Mini trở thành xe điện bán chạy nhất nước này khi vượt qua doanh số của Tesla Model Y và Tesla Model 3 trong năm 2022.
VinFast VF 5 Plus là tân binh vừa gia nhập thị trường ôtô Việt Nam ở phân khúc xe cỡ nhỏ. Ảnh: Bối Hạ. |
Điểm chung của các mẫu xe nói trên nằm ở phân khúc được nhắm đến. Khi nhóm SUV ngày một trở nên đông đúc với tính bão hòa cao, ngách ôtô cỡ nhỏ giá rẻ trở thành mảnh đất tiềm năng để các thương hiệu khai thác dù doanh số liên tục lao dốc.
Năm ngoái, các thương hiệu ôtô cũng từng thể hiện hướng đi này khi tung ra hàng loạt ôtô mới nhắm vào phân khúc MPV bình dân, vốn trước đó chỉ là sân chơi riêng của các ôtô thương hiệu Nhật Bản nhập khẩu từ Indonesia.
Dù SUV đang là xu hướng chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, sự xuất hiện của hàng loạt xe cỡ nhỏ trải dài từ hatchback giá rẻ, SUV đô thị hạng A đến MPV bình dân được kỳ vọng sẽ khiến doanh số nhóm ôtô giá rẻ bật tăng trở lại.
(Nguồn zingnews.vn)