Theo Nikkei Asia, số lượng 144.000 ôtô xuất xưởng từ các dây chuyền lắp ráp nội địa tại Việt Nam theo ước tính của Tổng cục Thống kê tương đương với năng suất hoạt động của các nhà máy này chỉ đạt khoảng 40% trong nửa đầu năm 2024. Trang tin này cho biết tổng công suất thiết kế của các nhà máy lắp ráp ôtô tại Việt Nam rơi vào khoảng 700.000-800.000 xe/năm.
Không chỉ suy giảm về sản lượng, doanh số ôtô nội địa tại Việt Nam trong nửa đầu năm nay cũng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái đến 15%.
Cụ thể, số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho hay toàn thị trường đã tiêu thụ tổng cộng 134.884 ôtô các loại từ đầu năm, trong đó bao gồm 67.849 xe lắp ráp cùng với 67.035 xe nhập khẩu.
Trang tin Nikkei Asia dẫn lời ông Koji Sugita - Tổng giám đốc Honda Việt Nam - nhận định sức mua ôtô tại Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ đợt suy thoái kinh tế, vốn đã kéo dài từ năm 2022.
"Nhu cầu mua sắm trong nhóm dân cư có thu nhập cao, tệp khách hàng chính của thị trường ôtô, vẫn chưa được phục hồi đầy đủ do tác động của cuộc suy thoái bất động sản đã diễn ra từ năm 2022", ông Koji Sugita chia sẻ.
Trước tình hình đó, bên cạnh động thái khuyến mại, giảm giá do hãng xe và đại lý thực hiện, Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét khả năng triển khai chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ dành cho xe lắp ráp trong nước. Trong quá khứ, thị trường trong nước từng 3 lần đón nhận các đợt ưu đãi tương tự vào các năm 2020, 2022 và 2023, kéo dài 6 tháng cho mỗi đợt.
Trước thông tin về khả năng triển khai đợt ưu đãi phí trước bạ tiếp theo, giới lãnh đạo các hãng xe tại Việt Nam đang bày tỏ những quan điểm trái ngược nhau.
"Người tiêu dùng Việt Nam thường thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm, do đó rất nhạy cảm với các biến động về giá cả", ông Keita Nakano - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - chia sẻ với Nikkei Asia.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Honda Việt Nam lại nhận định với Nikkei Asia rằng chính sách này nếu được áp dụng sẽ "chiếm lấy nhu cầu mua sắm trong tương lai và có thể trở thành nguồn cơn cho những biến động thị trường".
"Chính sách giảm phí trước bạ cũng sẽ làm giảm giá trị tài sản của chủ sở hữu ôtô", ông Koji Sugita chia sẻ thêm.
Trang tin Nhật Bản cũng nhận định khách hàng Việt dường như đã quen với các đợt giảm phí trước bạ từ Chính phủ, khiến cho chính sách này dần giảm bớt tính hiệu quả.
Cũng theo trang tin Nhật Bản, giá bán ôtô tại Việt Nam đang khá cao do phải "cõng" các loại thuế phí khác nhau, trong đó bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt tương đương 35-150% giá trị xe. Theo tính toán của Nikkei Asia, giá xe ở Việt Nam đang cao hơn gần gấp đôi tại Thái Lan và Indonesia.
"Điều này khiến ôtô được xem như một sản phẩm xa xỉ tại Việt Nam", ông Koji Sugita nhận định.
Theo Nikkei Asia, mức thuế nhập khẩu ôtô vào Việt Nam từ châu Âu và Nhật Bản dự kiến được điều chỉnh giảm trong vòng vài năm tới đây, theo nội dung Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây được cho là yếu tố có thể giúp thị trường xe Việt tìm lại đà phục hồi trong thời gian tiếp theo.